Tuesday, May 14, 2013

Vietnamese special force attack U.S B.52 den (Utapao Thailand)


Đặc công Việt cộng tấn công sào huyệt B.52 Mỹ


Ra đời trong cuộc chiến tranh chống Pháp tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, lực lượng đặc công không ngừng lớn mạnh; trở thành binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, là nỗi khiếp sợ của giặc thù.
Đánh B.52 ngay tại sào huyệt Utapao
Đặc điểm của lính đặc công là giỏi sử dụng nhiều loại vũ khí. Từ vũ khí thông thường đến các loại pháo như ĐKZ, ĐKB... Và họ cũng là "chuyên gia" bậc thầy về các loại chất nổ, bộc phá. Chuẩn bị trận đánh kho xăng Nhà Bè năm 1973, qua nghiên cứu có 49 bồn chứa lớn, mỗi bồn phải đặt ít nhất 10 kg chất nổ C4 mới phá hủy nổi. Như vậy phải cần gần 500 kg chất nổ cho trận đánh. Một tổ tám người xuất kích không thể mang vác nổi khối lượng đó. Trước đây đã từng thử dùng pháo ĐKZ bắn trúng nhưng không cháy. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, anh em liền cưa trái bom 750 cân Anh bị lép, lấy 100 kg thuốc sản xuất 50 trái mìn lõm, mỗi quả chỉ nặng 1 kg. Lấy vỏ trái bom cho đánh thử, xuyên phá tốt. Kết quả là kho xăng bị đánh cháy suốt 12 ngày đêm, thiêu hủy 250 triệu lít xăng.
Đặc công còn là những chiến sĩ giỏi đánh cận chiến, kể cả bằng tay không và dao găm. Những thế võ đặc công trong các trận giáp lá cà với lính Mỹ, lính chư hầu Nam Triều Tiên, làm cho đám lính khét tiếng thiện chiến này phải kinh hồn. Gặp trường hợp bị vây hãm, đặc công sẵn sàng chấp nhận hy sinh, hoặc mạng đổi mạng để giữ bí mật và khí tiết người lính. Như ở trận đánh kho xăng Nhà Bè, hai chiến sĩ Bao và Tìm khi bị địch bao vây tứ phía, liền "cưa đôi" quả lựu đạn với chúng. Một cựu tư lệnh đặc công cho rằng tinh thần chiến đấu quyết tử của đặc công làm nên phẩm chất anh hùng của người lính, khiến cho quân địch sợ hãi và khâm phục.
Đã có nhiều trận đánh và những chiến công được nói đến. Riêng trận tập kích sân bay Utapao (Thái Lan) lâu nay rơi vào im lặng. Utapao là căn cứ không quân rất lớn của Mỹ tại Thái Lan hồi đó, và đây cũng là cũng là sân bay duy nhất ở Đông Nam Á mà máy bay chiến lược B.52 có thể hạ, cất cánh. Máy bay B.52 của Mỹ thường xuất phát từ nơi đây và đảo Guam để ném bom miền Bắc nước ta. Chính phủ ta ngày ấy từng ra tuyên bố: địch xuất phát từ đâu, ta có quyền đánh trả ngay nơi sào huyệt của chúng. Dựa vào tuyên bố ấy và trên cơ sở phân tích tin tình báo chiến lược, phán đoán đúng ý đồ của Mỹ, tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Đặc công giao cho thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Tham mưu trưởng binh chủng, nghiên cứu và chuẩn bị phương án đánh thẳng vào căn cứ máy bay B.52 của Mỹ, khi chúng tăng cường ném bom thủ đô Hà Nội.
Khó khăn nhất là sân bay Utapao ở sâu trong nội địa Thái Lan, việc đảm bảo hậu cần hầu như không thực hiện được.




 Lúc đầu, bộ tư lệnh đề nghị cấp trên cho sử dụng đường dây Việt kiều. Ban Bí thư và Quân ủy điện trả lời tuyệt đối cấm sử dụng lực lượng này. Một tổ đặc công đánh xa có 3 người được chọn. Trong đó, hai chiến sĩ Lại và Phương vốn là hai Việt kiều Thái hồi hương về miền Bắc, thông thạo địa hình, nói sõi tiếng Thái. Một biệt đội hơn ba chục người đi theo làm nhiệm vụ yểm trợ. Đoàn đã lập trạm chỉ huy ở khu rừng Đôn Ka Thom nằm ở ngã ba biên giới Thái Lan - Lào - Campuchia. Đây là khu rừng nguyên sinh cây cao ba tầng, quanh năm không thấy ánh mặt trời. Từ đây, các tổ tiền tiêu được phái đi trinh sát 14 lần dọc theo dãy núi Prếch Vihia. Có một sáng kiến được đưa ra. Đó là dùng kỹ thuật ém lương thực theo kiểu sâu đo. Ba chiến sĩ mỗi người mang 32 kg lương khô, đến vị trí A để lại 10 kg, chôn kỹ và đánh dấu rồi quay về. Cứ thế từng chuyến lương khô được chuyển đến vị trí B, C, D... suốt chặng đường dài. Cần nói rõ lương thực là điều kiện sống còn của người lính đặc công, cả trên đường đi đến mục tiêu cũng như khi quay về.
Vấn đề còn lại là phương tiện liên lạc để nhận lệnh tiến công đúng thời điểm. Các chiến sĩ đặc công không thể đem điện đài, vì sẽ ảnh hưởng tới khối lượng chất nổ cần thiết phải mang theo. Đoàn trưởng liền hạ lệnh: mang theo máy radio để nghe tin tức, khi nào nghe tin đài BBC hay VOA đưa tin B.52 đang đánh dồn dập Hà Nội, lúc ấy được quyền khai hỏa. Ba chiến sĩ đặc công của ta, một bảo vệ bên ngoài để hai người xâm nhập tận trong sào huyệt, sờ mó tận tay từng chiếc B.52. Đúng lúc cao điểm 12 ngày đêm Mỹ đánh phá Hà Nội, chiến sĩ đặc công điểm hỏa đánh cháy 6 chiếc, phá hỏng 2 chiếc. Vậy là có 8 chiếc B.52 bị loại khỏi vòng chiến đấu, không còn cơ hội ngang dọc trên bầu trời miền Bắc gây tội ác nữa. Ngày hôm sau, các hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin, bình luận. Mỹ đã thật sự hoảng hốt, chúng không ngờ ta với tay xa và phối hợp ăn ý đến như vậy. Qua đài kỹ thuật (bí mật), chúng trao đổi với nhau mà không hiểu điều gì đã xảy ra. Lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe tin liền điện hỏi Bộ Tư lệnh Đặc công, bộ tư lệnh vội điện hỏi trạm chỉ huy. Sau này nghe thượng tá Nguyễn Đức Trúng báo cáo lại đầy đủ chi tiết, đại tướng không ngớt lời khen ngợi.
Trước đó, đầu tháng 4 năm 1968, đại úy Phùng Hồng Lâm Và đại úy lê Văn Đình ở tổ đánh sân bay U-Ta-pao được đại úy Lê Thoong đưa đến trang trại của một gia đình người Thái ở Băng-Cốc. Do thông thạo tiếng Thái, lại làm việc chăm chỉ nênhai anh được ông chủ tin tưởng. Từ nơi này, hai tình báo viên đi điều tra, nghiên cứu sân bay U-Ta-Pao. U-Ta-Pao là sân bay chiến lược B52 của Mỹ, cách Băng-Cốc khoảng 190 km. với hệ thống hàng rào, dây thép gai, dày đặc các loại mìn, được bố phòng cẩn thận, lại nằm xa biên giới Lào-Thái. Mỹ cho rằng đây là căn cứ bất khả xâm phạm. Chính vì vậy số lượng báy bay thường xuyên có mặt trong căn cứ khoảng 20 chiếc, trong đó mỗi đêm chúng sử dụng từ 3-5 chiếc đi ném bom ở Việt Nam. Mỗi lần đi nghiên cứu, Phùng Hồng Lâm và Lê Đình lại lên xe khách ở Băng-Cốc lúc 3 giờ chiều. Đến cách sân bay vài cây số là trời tối. Họ xuống xe, đi bộ rồi tạt vào bìa rừng cởi bỏ quần áo, hóa trang rồi tiềm nhập vào sân bay. Hai anh thức suốt đêm để nghiên cứu, tìm qui luật hoạt động của địch đến 4 giờ sáng trở ra tắm rửa, mặc lại quần áo rồi hòa vào đám người trở về Băng-Cốc. Mỗi tuần hai lần, ròng rã hai tháng trời như vậy. Nhiều lần các anh đến tận từng chiếc B52, đu người lên càng máy bay để gài thử mìn. Khi đã chắc ăn họ lên kế hoạch tập kích vào đầu tháng 6. Thế nhang lần cuối cùng trinh sát, họ nhận thấy sân bay có biểu hiện bất thường. Ô tô chở lính tuần tiễu liên tục trên các con đường quanh sân bay, kiểm tra gắt gao tất cả sỹ quan, binh lính và công nhân ra vào khu quân sự. Thì ra, do bị đòn choáng váng ở U-Đon, địch đã cảnh giác hơn. Tập kích vào lúc này sẽ rất mạo hiểm. Tổ quyết định tạm hoãn kế hoạch và báo về Trung Ương.Tháng 6,7 thời gian địch canh phòng cẩn mật cũng là lúc tổ tình báo nắm thêm nhiều thông tin, bổ sung nhiều chi tiết cho kế hoạch đánh của mình. Đầu tháng 8, địch bắt đầu chủ quan, đi tuần thưa hơn, ít kiểm tra hơn. đây là thời cơ để tổ quyết định tấn công. Chiều tối ngày 3/8/1968 Phùng Hồng Lâm và Lê Thanh Đình như thường lệ xuống xe khách ở U-Ta-Pao. Đến quãng vắng hai anh tạt vào bìa rừng, nơi cất giấu sẵn thuốc nổ. Quyết tâm phải phá hủy ít nhất hai chiếc B52, hai người chuẩn bị hai quả bộc phá, mỗi quả 5 kg, gài định giờ, dùng kĩ thuật đặc công tiềm nhập, vượt qua hàng rào dây thép gai rồi lao thật nhanh đến chỗ hai chiếc B52 đỗ cạnh nhau. Gài xong bộc phá đúng 4 giờ sáng, hai tình báo viên về vị trí tập kết, tắm rửa, mặc quần áo và ung dung về Băng-Cốc. Xe vừa chạy một quãng thì từ phía sân bay phát ra hai tiếng nổ lớn làm rung cả cửa kính xe. Một lúc sau là tiếng còi hụ của xe cảnh sát, cứu hoả, cứu thương từ mọi hướng lao về sân bay. Mọi người trên xe nhốn nháo không hiểu chuyện gì xảy ra mà không biết trên xe có hai người đang mỉm cười sung sướng.Hai ngày sau báo chí Thái lan đưa tin "Việt Cộng" tập lích sân bay U-Ta-pao, tiêu diệt hai máy bay B52 và làm hư hỏng hai chiếc khác, hai mươi sỹ quan và nhân viên kĩ thuật Mỹ thiệt mạng. Do đài chỉ huy bị hư hỏng nặng nên sân bay phải đóng cửa mười ngày để sửa chữa. Sau chiến công đó, cả tám tình báo viên đều được tặng thưởng huân chương chiến công(Một hạng nhất và bảy hạng nhì), Phùng Hồng Lâm được phong tặng AHLLVT, hai liệt sỹ Bùi Kế Sách và Lê Đức Mục được truy tặng danh hiệu AHLLVT. 41 năm đã trôi qua, 8 chiến sỹ tình báo ngày đó kẻ còn, người mất. Trung tá Lê Thoong, trung tá Lê Viết Tình từ trần đã 20 năm. Đại tá Phùng Hồng Lâm mới qua đời cách đây 2 năm. Đại tá Lê Văn Đình hiện đang sống ở TP HCM, Đại úy Võ Tá Kiều hiện ở Thái Bình , chuẩn úy Nguyễn Văn Triêm ở Quảng Bình. Vì là nhiệm vụ bí mật nên chiến công của họ chưa được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn các cơ quan tình báo đối phương đều cho rằng việc tập kích vào hai sân bay ở Thái Lan là do lực lượng đặc công Việt Nam thực hiện. Họ không thể ngờ rằng chiến sỹ tình báo Việt Nam không chỉ giỏi đấu trí, mà khi tổ quốc cần, họ còn dám xã thân như những chiến sỹ ngoài mặt trận. Bởi vì suốt 30 năm chiến tranh, tình báo Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu của quân đội nhân dân Việt Nam